Kiến nghị chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp tại Đồng Nai vượt qua khó khăn

Thực trạng hiện tại của các doanh nghiệp vay vốn xuất khẩu giảm

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện xuất, nhập khẩu (XNK) đến cuối tháng 8-2021 ước đạt trên 37,6 ngàn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng gần 14% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tỷ trọng cho vay xuất khẩu chỉ đạt gần 20,2 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 5% so cuối năm trước.

Với tình hình dịch bệnh tháng 7 & 8 năm 2021, đại dịch #covid19 lây lanh nhanh và khó kiểm soát. Hàng trăm DN tại Đồng Nai phải tạm dừng, hoặc sản xuất hạn chế.

Điều này khiến các đơn hàng XNK giảm rõ rệt, dẫn đến vốn vay của DN phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu giảm theo.

Nếu quá trình này còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 9/2021, thì chỉ số XNK của Đồng Nai sẽ còn giảm mạnh. Ảnh hưởng tới các ngành nghề khác: Nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thương mại, ... tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai vẫn phức tạp

Sau khi dịch #covid19 quay trở lại vào tháng 5/2021 tại các tỉnh phía Nam, các ca nhiễm tại Đồng Nai tăng dần. Dù toàn tỉnh đã có những chỉ thị giản cách xã hội sớm để ngăn dịch bệnh.

Nhưng điều này cũng không ngăn được dịch bệnh lan nhanh.

Trước tình hình đó, UBND Đồng Nai đã kiến nghị lên Chính phủ nhằm thực hiện hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay

Toàn tỉnh hiện có hơn 43,5 ngàn DN đăng ký kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia với tổng vốn đăng ký trên 386,3 ngàn tỷ đồng. Hiện đã có hơn 600 DN tạm dừng hoạt động và 230 DN giải thể.

Những vấn đề DN hiện đang đối mặt

Có lẽ từ trước đến nay, chưa khi nào DN ở Đồng Nai phải đối diện với nhiều khó khăn như thời điểm hiện tại. Bởi, đợt dịch bệnh lần thứ tư kéo dài hơn 2 tháng dẫn đến nhiều DN gặp trở ngại về nguyên liệu đầu vào, đầu ra của sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa, thiếu nhân lực, chi phí cho sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, DN còn thường trực nỗi lo phải tạm dừng sản xuất nếu trong công ty xuất hiện ca nhiễm Covid-19, cho lao động nghỉ việc thời gian dài không có hỗ trợ họ sẽ về quê không trở lại...

Ông Nguyễn Anh Kiệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Rohm and Hass Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) cho biết: “Hơn 1 tháng nay, công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, nhưng gặp rất nhiều vướng mắc nên rất khó duy trì mô hình này lâu dài. Đơn cử như máy móc của công ty phải bảo trì 2 tuần/lần và phải thuê đơn vị dịch vụ bên ngoài. Thế nhưng, gần đây phía đơn vị dịch vụ gặp trở ngại do dịch bệnh nên dừng hoạt động, khiến DN rất khó xoay xở”.

Các phương án giải quyết với "3 tại chỗ"

Ngoài ra, theo ông Kiệt, sản xuất công nghiệp là chuỗi gắn kết nhiều DN với nhau và mỗi công ty thực hiện một vài công đoạn trong chuỗi đó. Chỉ cần một số DN trong chuỗi không thể duy trì sản xuất là cả chuỗi sẽ ách tắc.

Theo một số DN trên địa bàn tỉnh, để có thể thực hiện được “mục tiêu kép” trong thời điểm hiện nay, ngoài việc các công ty phải tự nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, tìm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, giữ chân người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, Chính phủ và tỉnh nên có những hỗ trợ kịp thời về chính sách, cơ chế. Cụ thể, có giải pháp chống dịch hiệu quả, hạn chế lây lan trong cộng đồng, DN. Bên cạnh đó, gỡ được những vướng mắc để DN có thể trở lại hoạt động, như vậy chuỗi sản xuất công nghiệp mới duy trì được lâu dài.

Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp

Mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ hỗ trợ DN, người lao động để tỉnh có thể phòng, chống dịch bệnh thành công và vẫn giữ được sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 20-8, số ca F0 của Đồng Nai đã lên đến trên 16 ngàn và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. UBND tỉnh đã ban hành quyết định giãn cách xã hội đến hết tháng 8-2021, nhiều DN đang thực hiện “3 tại chỗ” đã đăng ký với các địa phương và sở, ngành của tỉnh sẽ dừng sản xuất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, UBND tỉnh đã báo cáo Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn trường hợp trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động trong các trường hợp như: Thời gian dừng việc kéo dài do diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đối với DN có số lao động lớn trên lĩnh vực dệt may, giày dép, chế biến gỗ...; trường hợp người lao động ngừng việc và không chấp thuận vào lưu trú tại DN để làm theo phương án “3 tại chỗ”.

Đối với việc xác định “DN phải tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Đồng Nai gặp một số khó khăn với các trường hợp là DN không có quyết định yêu cầu tạm dừng hoạt động nhưng DN nằm trong khu vực cách ly y tế nên gặp khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng, cung ứng thực phẩm, người lao động không đến DN làm việc được nên DN buộc phải dừng sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp DN không nằm trong khu vực cách ly y tế nhưng không có đủ điều kiện bố trí phương án “3 tại chỗ” nên theo yêu cầu buộc phải ngừng hoạt động. Đối với những trường hợp trên, DN đều không nhận được quyết định hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về yêu cầu tạm dừng hoạt động, như vậy người lao động tại các DN trên phải hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương có thuộc trường hợp “DN phải tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” hay không để UBND tỉnh có thể căn cứ vào Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ cho DN kịp thời.

Những vấn đề trên UBND tỉnh đang đợi hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong đợt dịch lần thứ tư. Các hỗ trợ trên có thể giúp người lao động phải dừng việc bớt khó khăn và DN giữ chân được người lao động để trong thời gian tới, khi dịch lắng xuống có thể khôi phục sản xuất.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chia sẻ: “Đợt dịch lần thứ tư lây lan nhanh khiến DN phải dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Gần 2 tháng nay, công ty gần như không có doanh thu nhưng vẫn gồng mình hỗ trợ hơn 40 ngàn người lao động. Nếu Chính phủ không kịp thời có những hỗ trợ cho người lao động, DN sẽ khó đảm bảo đời sống cho người lao động”.

 

prev_doitac next_doitac