Đồng Nai tìm cách tăng thu hút vốn FDI

Sự tăng trưởng trong thu hút đầu tư cho thấy, Đồng Nai vẫn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp (DN) FDI. Tuy thời gian qua, nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng với sự nỗ lực của DN và chính sách đồng hành cùng DN của tỉnh nên dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn tăng cao.

Nguồn vốn FDI vào Đồng Nai trong năm 2023 tăng mạnh

* Gỡ rào cản cho môi trường đầu tư

Với các lợi thế là cửa ngõ giao thông vùng, trung tâm phát triển công nghiệp, Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN FDI chọn lựa đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình đầu tư dự án vào Đồng Nai, DN vẫn gặp những rào cản, gây chậm tiến độ trong triển khai dự án. Nếu các rào cản được tháo gỡ kịp thời, dòng vốn FDI chảy vào Đồng Nai sẽ còn tăng cao.

Ông Kim Young Whan, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về đầu tư vào Đồng Nai với trên 400 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 7,2 tỷ USD. Trong thời gian tới, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng nếu các vướng mắc về đất đai, thủ tục được tháo gỡ nhanh. Các DN Hàn Quốc cam kết bảo vệ môi trường và quản lý an toàn khi kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN hiện nay đang gặp khó trong quá trình xin giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều DN FDI đã và sắp đầu tư vào Đồng Nai mong muốn những thủ tục liên quan đến các quy định về thuế, hóa đơn điện tử… sẽ hạn chế được sai sót và được điều chỉnh nhanh, giúp DN thuận lợi hơn trong sản xuất, xuất khẩu.

 

Ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong quá trình thực hiện, nhiều DN còn lúng túng. Một số trường hợp người nộp thuế hiểu sai vấn đề dẫn đến tình trạng áp dụng chưa đúng các quy định.

Bên cạnh những khó khăn trên, nhiều nhà đầu tư cũng hy vọng những vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng sẽ được tháo gỡ sớm để triển khai các dự án và sớm đưa vào hoạt động.

Bà Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, do các thay đổi về quy định trong phòng cháy, chữa cháy và môi trường nên các DN đầu tư cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Vấn đề trên đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của các DN.

Tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư

 Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc hiện đại để phục vụ cho sản xuất. Các DN mới đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo kế hoạch, tập trung ở một số lĩnh vực như: chăn nuôi, xơ sợi dệt, giày dép, sản xuất đồ gỗ. Đơn cử, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) đầu tư  416 tỷ đồng; Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn trên 396 tỷ đồng; Công ty TNHH Giày Dona Standard thuộc Khu công nghiệp Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đầu tư thêm hơn 41 tỷ đồng…

Ông Yeom Jae Ho, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho biết, DN hoạt động tại Đồng Nai gần 30 năm và luôn nhận được nhiều hỗ trợ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo cho người lao động. Do đó, thời gian tới, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Changshin sẽ cố gắng chung tay cùng tỉnh, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng thiếu việc làm cho người lao động. Đồng thời, Changshin sẽ nâng cao tay nghề cho công nhân để khi các đơn hàng tăng trở lại, công ty có thể phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.

prev_doitac next_doitac